Xu Hướng 5/2024 # Biên Soạn Sách Tra Cứu Song Ngữ Hán Việt _ Từ Góc Nhìn Hệ Thống (Phần 1) # Top 4 Yêu Thích

LÃ MINH HẰNG( PGS TS, Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

1. Mở đầu

Muốn tìm hiểu nền văn hoá cổ truyền của Việt Nam không thể không đi sâu khai thác, nghiên cứu nội dung được ghi chép trong các sách Hán Nôm. Thư tịch Hán Nôm hiện còn là minh chứng của việc tiếp nhận và sử dụng chữ Hán ở Việt Nam trong quá khứ. Nguồn thư tịch đó hiện nay được lưu giữ tại các viện nghiên cứu, trường Đại học, tại các cơ quan bảo tàng tỉnh và tại các từ đường, tư gia của Việt Nam. Song chiếm phần nhiều hơn cả vẫn là số thư tịch Hán Nôm đang được bảo quản trong điều kiện rất tốt tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN).

Trên cơ sở hai bộ thư mục Hán Nôm thống kê số sách hiện đang lưu giữ tại VNCHN, tham luận sẽ đi sâu khảo sát, giới thiệu về sách tra cứu song ngữ Hán Việt (chỉ chung tự điển và từ điển song ngữ, gọi tắt STCSNHV). Từ hai góc độ hình thức và nội dung của từ điển song ngữ Hán Việt, tham luận tập trung khảo sát: 1/ Cách phân chia mục từ, 2/ Cách chú âm và 3/ Cách thích nghĩa. Đặc biệt từ các quan sát nội dung thích nghĩa trong các mục từ, tham luận phần nào giới thiệu các tri thức đa ngành: y học, văn học, sử học, tôn giáo,… Đọc từ điển song ngữ có thể rõ hơn về nét văn hoá truyền thống Việt Nam, về nội dung giảng dạy học tập chữ Hán, văn hoá Hán của người Việt xưa.

2. Tổng quan về STCSNHV

Thư tịch Hán Nôm nói chung, thư tịch sách Nôm và đặc biệt là thư tịch về STCSNHV nói riêng hiện lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ trong và ngoài nước. Trong số đó tập trung đậm đặc tại Thư viện VNCHN.

2.1. Tổng quan về thư tịch Nôm

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cố gắng đi tìm lời đáp cho câu hỏi “có bao nhiêu tác phẩm Nôm?”. Các nhà nghiên cứu đi trước, khi bàn về trữ lượng thư tịch Nôm, đã đưa ra con số không thống nhất: theo PGS Kiều Thu Hoạch (1979) “tổng số sách Nôm hiện có trong kho là 1.492 tên sách” [ 1], PGS Trần Nghĩa căn cứ vào bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếu cho biết có 1373 cuốn sách Nôm. Để đi tìm lời đáp chính xác, chúng tôi đã khảo sát lượng thư tịch Nôm hiện có trong kho thư viện VNCHN. Chúng tôi đã kiểm kê, tính đếm toàn bộ lượng tác phẩm Nôm (qua ghi chép trong 2 bộ thư mục) cho kết quả:

Bảng 1: Tổng lượng thư tịch Nôm trong kho VNCHN

Như vậy, số tác phẩm có ghi chép bằng chữ Nôm là 1.932 tác phẩm, chiếm tỉ lệ 26,4 % trong kho sách tại VNCHN. Số lượng thư tịch Hán Nôm nêu trên cho thấy, ở Việt Nam xưa đã có một quá trình dài tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá Hán nên đã tạo ra một lượng lớn thư tịch Hán Nôm thuộc đủ mọi lĩnh vực. Thời đó, giáo dục khoa cử được coi trọng; việc học, thi đỗ ra làm quan đã trở thành mục đích chí mạng của đấng nam nhi. Bên cạnh trường Quốc học (dành cho con em các nhà quyền quý), các trường tư cũng được mở ra ở khắp các địa phương nhằm giúp cho con em các gia đình bình dân cũng có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán, văn hoá Hán ngay từ thuở ấu thơ. Khảo sát kho sách Hán Nôm, thấy có các sách dạy về Toán học (như Cửu chương toán pháp); dạy về chữ Hán (như Ấu học Hán tự tân thư: dạy trẻ em học chữ Hán, sách chia thành nhiều tập, dạy các môn học Luân lí, Chính trị, Địa lí, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Xã hội; sách Hán tự tự học: dạy cách tự học chữ Hán, giải nghĩa bằng chữ Quốc ngữ, chia thành 10 môn loại: thiên khí, địa dư, nhân sự, sử kí…); sách dạy về các kiến thức xã hội, sinh học, đạo đức… (như Khải đồng thuyết ước).

Để có thể tìm hiểu sâu nền văn hoá Hán, thì điều quan trọng đó là phải qua được rào cản về ngôn ngữ văn tự, nghĩa là phải nắm vững chữ Hán, từ ngữ Hán. Với lí do đó, các nhà nho, đồng thời cũng là các thầy dạy chữ Hán xưa đã cố gắng biên tập các STCSNHV giúp cho việc học tập giảng dạy của mình đạt hiệu quả.

2.2. Hệ thống STCSNHV

Trong quá trình tiếp nhận và sử dụng chữ Hán, người Việt Nam đã biên soạn được một số STCSNHV lấy đơn vị mục từ là chữ Hán, từ ngữ Hán. Trần Văn Giáp [ 2] trong công trình khảo cứu về kho sách Hán Nôm đã đưa ra một danh sách những bộ sách quan trọng. Căn cứ vào mục đích sử dụng, chúng tôi đã chia tách thành hai tiểu loại nhỏ như sau:

– Loại từ điển về âm vận dùng để tra cứu vận bộ khi làm thơ, như: Thi vận tập yếu, Khâm Định tập vận trích yếu.

– Loại tự điển, từ điển dùng để học chữ Hán và từ ngữ Hán. Loại này chiếm phần lớn trong số các tự điển, từ điển lấy đơn vị mục từ là chữ Hán, từ ngữ Hán. Có các đại diện sau: Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (gọi tắt Chỉ Nam) , Tam thiên tự giải âm, Nhật dụng thường đàm (gọi tắt: Nhật dụng) , Tự học tiết lục, Tự học cầu tinh ca, Thiên tự văn giải âm, Nam phương danh vật bị khảo (gọi tắt: Nam phương) , Tự loại diễn nghĩa (gọi tắt: Tự loại), Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (gọi tắt: Tự Đức)… Trong các bộ tự thư, từ thư này, nếu dựa vào mục đích sử dụng, cách thức biên soạn có thể phân biệt:

+ Loại đơn thuần chỉ là sách dạy viết chuẩn chính tả chữ Hán, như Tự học cầu tinh ca;

+ Loại mang tính chất như một quyển sổ tay học từ ngữ Hán, như: Tự học huấn mông, Tự học tứ ngôn thi …;

+ Loại được biên soạn trên cơ sở rút gọn bộ Khang Hi tự điển, các mục từ được sắp xếp theo bộ thủ Hán giống như cách sắp xếp của bộ tự điển nêu trên, như Tự điển tiết lục;

+ Chiếm phần nhiều hơn cả vẫn là nhóm sách tra cứu về chữ và từ ngữ Hán, gồm các quyển Chỉ Nam, Nhật dụng, Nam phương, Đại Nam Quốc ngữ (gọi tắt Đại Nam), Tam thiên tự giải âm… Trong nhóm này được phân biệt thành hai nhóm nhỏ:

– Tự điển song ngữ Hán Việt: dùng để tra chữ Hán, dùng chữ Nôm để giải nghĩa chữ Hán.

Loại này, hiện trong kho sách VNCHN chỉ còn 2 bộ: 1/ Tam thiên tự giải âm, tác giả Ngô Thì Nhậm in vào cuối thế kỉ XVIII. Sách gồm 3.000 chữ Hán được dịch ra chữ Nôm (gọi là giải nghĩa). Trật tự các chữ được sắp xếp sao cho hợp vần, hợp điệu, dễ đọc, dễ nhớ. Ví dụ: Thiên trời, Địa đất; Cử cất; Tồn còn; Tử con; Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba, Gia nhà, Quốc nước, Tiền trước, Hậu sau… (vần điệu tiếng Việt: đất-cất, còn-con, cháu-sáu, ba-nhà, nước- trước…) và 2/ Ngũ thiên tự dịch Quốc ngữ, gồm 5.000 chữ Hán, xếp thành 38 mục như: thiên văn, địa lí, thời lệnh, can chi, hoà cốc, cây cỏ, côn trùng, chúc tụng, v.v. Bộ tự điển này, tên mục từ ghi bằng chữ Hán, phần giải nghĩa mục từ được ghi bằng chữ Quốc ngữ.

– Chiếm phần chủ đạo trong nhóm sách tra cứu về chữ và từ ngữ Hán là các bộ từ điển song ngữ Hán Việt. Đây cũng là nội dung chính được trình bày trong tham luận lần này.

3. Từ điển song ngữ Hán Việt

Từ điển song ngữ Hán Việt được xếp theo môn loại, nghĩa là được xếp theo ý nghĩa của từ ngữ Hán. Về cơ cấu của sách, nếu nhìn rộng ra khu vực văn hoá Hán (ví dụ trường hợp Nhật Bản) thì thấy có mối tương đồng khá thú vị khi tổ chức cấu thành các môn bộ của từ điển, khi phân loại sắp xếp các mục từ vào từng môn bộ. Phải chăng, trong quá trình biên soạn từ điển song ngữ, các nhà nho Việt Nam đã chịu ảnh hưởng không chỉ của Trung Quốc?

3.1. Một số đặc điểm hình thức

Mục từ trong các bộ từ điển song ngữ được xếp theo ý nghĩa của từ ngữ Hán, được gọi chung là môn (ứng với của Nhật Bản gọi là bộ), ví dụ Thiên văn môn, Địa lí môn, Nhân luân môn của Việt Nam ứng với Càn khôn bộ, Nhân luân bộ… của Nhật Bản. Trong từng môn (bộ/loại), các mục từ của từ điển song ngữ không được sắp xếp theo một trình tự nào, nên khó có thể tra cứu nhanh. Nếu so sánh với hệ thống Setsuyoushu (danh từ chung chỉ từ điển song ngữ Hán-Nhật) thì thấy, các mục từ trong Setsuyoushu được sắp xếp theo 2 cấp: đầu tiên được xếp theo vận (tức là theo hệ thống nguyên âm cổ của tiếng Nhật) và sau đó: trong từng vận, các mục từ lại được xếp theo bộ (theo ý nghĩa của từ Hán, ứng với môn của Việt Nam). Ở nhóm văn bản thời cận thế của Nhật Bản, trật tự sắp xếp có sự sai khác: trong từng bộ, các mục từ được xếp theo thứ tự số nét (hình thể văn tự) của chữ Hán. Cách sắp xếp theo 2 cấp (âm + nghĩa hoặc nghĩa + hình) là một điểm tiến bộ của hệ thống từ điển song ngữ Hán Nhật, giúp cho người sử dụng có thể nhanh chóng tìm được từ muốn tra cứu.

Trong số các từ điển song ngữ của Việt Nam đưa ra khảo sát, Chỉ Nam là bộ có niên đại sớm hơn cả. Tự Đức là bộ từ điển do vua Tự Đức (thời Nguyễn) tổ chức biên soạn, với số lượng mục từ lớn nhất: nhiều chữ Hán không thông dụng, chỉ xuất hiện trong bộ Khang Hi của Trung Quốc cũng đã được thu nạp trong bộ từ điển này. Với việc ấn hành bộ từ điển đồ sộ này, đã giúp cho việc nghiên cứu học tập chữ Hán được đẩy mạnh, đồng thời cũng rất có ý nghĩa trong việc khẳng định vai trò vị thế của chữ Nôm, rằng chữ Nôm đã chính thức được vương triều phong kiến chấp nhận sử dụng. Đối chiếu các bộ từ điển trong nhóm này với nhau, thấy có một số tương đồng, dị biệt sau:

– Các bộ từ điển song ngữ đã dùng khái niệm “bộ”, “môn” hay “loại” để chia nhóm các mục từ về mặt ý nghĩa. Trong số đó, có 4/6 bộ từ điển dùng khái niệm “môn” để phân nhóm các từ ngữ Hán. Một điều dễ nhận thấy là các bộ từ điển này, đều có số môn xấp xỉ nhau (32-40 môn). Không giống như các bộ từ điển khác trong nhóm, bên cạnh việc sắp xếp theo môn (còn gọi chương), các mục từ trong cùng môn của Chỉ Nam lại được sắp xếp trật tự trước sau sao cho có thể hiệp vần (vần thơ lục bát – thể thơ truyền thống của Việt Nam) với nhau, giúp cho việc ghi nhớ. Ngoài ra, Chỉ Nam còn có một số khác biệt so với các bộ từ điển trong nhóm: 1/ Dùng khái niệm “môn” và cả “chương” để phân loại các mục từ; 2/ Dưới chương (môn) còn được chia nhỏ hơn, ví dụ phần thiên văn chương được chia nhỏ thành các loại: Phong vũ loại, Vân vụ loại và Tinh thìn loại; 3/ Cuối các môn hoặc chương đều có thêm phần bổ di.

– Tự Đức dùng khái niệm “loại” thay thế cho “môn” của 4 bộ nêu trên; Tự Đức thu nạp lượng từ vựng khá lớn, tuy nhiên lại chỉ phân làm 7 loại. Như vậy, Tự Đức không quá chi tiết trong việc chia nhóm các mục từ. Ví dụ khảo sát từ vựng trong 2 bộ Đại Nam và Tự Đức, thấy các mục từ ở Nhân luân môn, Thân thể cử động môn, Nhân phẩm môn, Thù ứng môn, Tật bệnh môn của Đại Nam đều được Tự Đức xếp gọn vào Nhân sự loại.

– Đại Nam là bộ từ điển được phân tách tỉ mỉ nhất về mặt ý nghĩa, đã dùng cả “môn” và “bộ” (bộ thủ Hán) để chia nhóm các mục từ. Ngoài việc phân mục theo ý nghĩa của từ ngữ Hán, Đại Nam còn có thêm 3 bộ thủ Hán: bộ thuỷ, bộ hoả và bộ thổ để gom các từ ngữ Hán có cùng trường nghĩa (cùng mang bộ thủ) trong tiếng Việt (ở phần giải thích mục từ). Như vậy, toàn từ điển có 47 môn + 3 bộ. Ví dụ: mục từ Thu thạch nước đái con trẻ (84a4), mục từ Nhân nhũ sữa đàn bà (84a5) đều được xếp vào bộ thuỷ [ 3] …

Bảng 2 tổng hợp kết quả khảo sát 6 bộ từ điển song ngữ Hán Việt về dung lượng, dạng thức phân loại.

[ 2] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.

[ 3] Nước đái và sữa dùng chỉ chất lỏng dạng nước, nên đều có bộ thuỷ biểu nghĩa.