Xu Hướng 5/2024 # Chòm Sao Orion – Thợ Săn Trên Bầu Trời Đêm Mùa Đông # Top 5 Yêu Thích

Vào những đêm mùa Đông, nếu bạn hay ngước nhìn lên bầu trời, chắc hẳn bạn đã từng thấy một chòm sao có 3 ngôi sao sáng nằm thẳng hàng và cách đều nhau. Đó chính là chòm sao Orion, chàng thợ săn trên bầu trời mùa Đông. Orion là một chòm sao nổi tiếng trên bầu trời, nó cũng là một trong những chòm sao dễ thấy và dễ nhận biết nhất trên bầu trời đêm.

Truyền thuyết về chàng thợ săn Orion

Có rất nhiều truyền thuyết, câu chuyện về chòm sao nổi tiếng này trong những nền văn hóa khác nhau. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là trong thần thoại Hy Lạp, trong đó Orion là một chàng thợ săn dũng mãnh, con trai của vị thần biển cả Poseidon và Euryale, con gái của vua Minos xứ Crete. Từ lời đồn rằng anh ta có sức mạnh vô địch và có thể đánh bại mọi sinh vật trên hành tinh này. Nữ thần Hera, vợ của Thần Zeus nghe được tin này bà tức giận và phái con Bọ Cạp xuống giết anh chàng này. Orion đã bị con Bọ Cạp dùng nọc độc giết chết. Thần Zeus thương tiếc nên đã cho Orion trở thành một chòm sao trên bầu trời. Sau đó con Bọ Cạp kia cũng được đưa lên trời với tên gọi là chòm sao Scorpius. Một điều thú vị là 2 chòm sao đối địch nhau này nằm ở 2 vị trí đối diện trên bầu trời, tức là khi chòm sao này mọc thì chòm sao kia lại lặn mất vì thế hai kẻ thù này không bao giờ nhìn thấy nhau.

Một câu chuyện khác kể rằng, Orion đã phải lòng với 7 chị em Pleiades, những cô con gái xinh đẹp của vị thần khổng lồ Atlas ( vị thần nâng đỡ cả bầu trời trong truyền thuyết). Chàng cứ mãi theo đuổi Pleiades, cuối cùng thần Zeus đã cho cả hai lên bầu trời. Pleiades từ đó được đặt tên cho một cụm sao với 7 ngôi sao tượng trưng cho 7 chị em nằm trong chòm sao Kim Ngưu. Một điểm thú vị nữa là, chòm sao Kim Ngưu luôn mọc trước chòm Orion nên ta thấy chàng thợ săn như đang đuổi theo 7 chị em xinh đẹp trong chòm Kim Ngưu.

Quan sát

Chòm sao Orion rất dễ nhận biết vì nó là chòm có diện tích khá lớn là 594 độ vuông và là chòm sao có diện tích xếp thứ 26 trên thiên cầu, bên cạnh đó nó còn là chòm sao sáng nhất trên bầu trời mùa Đông cùng với 3 ngôi sao thẳng hàng đặc trưng.

Chòm sao này có thể quan sát được từ mùa Thu năm này cho tới tận mùa Xuân của năm sau. Vào mùa Thu, ta chỉ quan sát được Orion vào buổi sáng sớm. Chòm sao này tiếp tục mọc sớm dần mỗi ngày, tới mùa Đông nó sẽ xuất hiện từ lúc chập tối ở chân trời hướng Đông Nam và lên cao nhất trên bầu trời lúc nửa đêm. Cho tới mùa Xuân, chòm sao Orion sẽ xuất hiện ở phía Tây bầu trời lúc chiều tối và sẽ lặn rất sớm.

Do nằm trên đường xích đạo trời nên chòm sao Orion có thể được quan sát ở hầu hết các nơi trên Trái Đất, điều này khiến nó được biết đến rộng rãi.

Trên bầu trời, Orion đứng ngay cạnh chòm sao Eridanus, con sông Ba Giang. Theo sau là 2 chú chó của mình tượng trưng bởi 2 chòm sao Đại Khuyển ( Canis Major) và Tiểu Khuyển ( Canis Minor). Trước chòm Thợ Săn là chòm sao Kim Ngưu ( Taurus) tượng trưng cho con bò tót vàng mà chàng đang săn đuổi. Cạnh đó là chòm Thiên Thỏ (Lepus) chính là con thú mà chàng đã săn được.

Ngoài ra Orion còn là chòm sao tâm điểm của trận mưa sao băng Orionid diễn ra vào cuối tháng 10 hằng năm.

Các ngôi sao chính

Chòm sao Orion gồm nhiều ngôi sao sáng có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Trong đó 2 ngôi sao sáng nhất trong chòm sao này là Rigel và Betelgeuse thuộc top 10 ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm. Đặc biệt hơn chúng lại nằm gần như là đối xứng nhau qua 3 ngôi sao thắt lưng của Orion.

Betelgeuse: kí hiệu α Ori , là một ngôi sao khổng lồ đỏ được cho là sắp hết tuổi thọ trong một thời gian ngắn nữa. Ngôi sao này xuất hiện với màu đỏ cam và độ sáng biểu kiến từ 0.0 đến +1.3, đây là ngôi sao sáng thứ 8 trên bầu trời đêm. Nó được coi là “vai phải” của chàng thợ săn. Betelgeuse còn là một đỉnh của Tam giác mùa Đông nổi tiếng.

Rigel: kí hiệu β Ori, là một siêu sao khổng lồ xanh với độ sáng +0.13 nó là ngôi sao sáng thứ 6 trên bầu trời đêm. Khoảng cách của nó tới Trái Đất là 860 năm ánh sáng. Rigel đóng vai trò là “chân trái” của Orion. Ngoài ra Rigel còn là một trong sáu ngôi sao sáng trong Lục giác mùa Đông.

Bellatrix: kí hiệu γ Ori, đây là ngôi sao sáng thứ 27 trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là +1.64. Tương tự như Betelgeuse, Bellatrix có vai trò là “vai trái” của Orion

Meissa: kí hiệu λ Ori, nằm ở vị trí đầu của chòm Thợ Săn, nó có độ sáng là +3.5. Với một chiếc kính thiên văn có độ phóng đại từ 90x, ta sẽ thấy Meissa thực chất là một hệ sao đôi.

Saiph: kí hiệu κ Ori, cách Trái Đất khoảng 650 năm ánh sáng và xuất hiện với độ sáng +2.1 trên bầu trời vầ ngôi sao sáng thứ 6 trong chòm sao. Saiph được coi như là đầu gối của Thợ Săn.

Mintaka: kí hiệu  δ Ori, là ngôi sao có độ sáng yếu nhất (+2.2) trong 3 ngôi sao thắt lung. Nó thực chất là một hệ sao đôi.

Alnilam: kí hiệu  ε Ori, là ngôi sao nằm giữa trong 3 ngôi sao thắt lưng. Alnilam có độ sáng biểu kiến khoảng +1.7 và nằm cách chúng ta khoảng 2000 năm ánh sáng.

Alnitak: kí hiệu  ζ Ori, là  ngôi sao trắng xanh với độ sáng biểu kiến là +1.8 và có khoảng cách 800 năm ánh sáng tới Trái Đất.

Trong đó 3 ngôi sao Mintaka, Alnilam và Alnitak là 3 ngôi sao tạo thành thắt lưng của chàng Thợ Săn, chúng nằm thẳng hàng và cách đều nhau thậm chí độ sáng của chúng cũng gần bằng nhau.

Các thiên thể sâu trong chòm sao Orion

Không chỉ là chòm sao có nhiều ngôi sao sáng, Orion còn chứa rất nhiều tinh vân, cụm sao rực rỡ, nổi tiếng.

Những tinh vân nổi tiếng trong chòm sao Orion đều thuộc Đám mây phân tử phức hợp Orion, một nhóm lớn gồm những Tinh vân, đám bụi tối và những ngôi sao trẻ trong chòm sao Orion. Đám này cách Trái Đất khoảng 1.500 – 1.600 năm ánh sáng và nó trải rộng hàng trăm năm ánh sáng. Trên bầu trời Đám mây này rộng vài độ, kéo dài từ thắt lưng của đến thanh kiếm của Orion. Đây cũng là vùng có hoạt động hình thành sao mạnh mẽ, nó là nơi hình thành của những đĩa hành tinh và cả các ngôi sao trẻ.

Tinh vân Orion (M42, NGC 1976)

Là một tinh vân phát xạ – phản xạ nằm ngay dưới đai thắt lưng của chòm Orion. Đây là một trong những tinh vân nổi tiếng nhất bầu trời đêm, với độ sáng khoảng +4.0 tinh vân Orion hoàn toàn có thể được thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, nó sẽ rõ ràng hơn nếu được nhìn qua ống nhòm hoặc kính thiên văn. Nằm cách Trái Đất 1.344 năm ánh sáng nhưng với đường kính lên tới 24 năm ánh sáng, tinh vân Orion xuất hiện với kích thước gấp khoảng 4 lần Trăng tròn.

Tinh vân Orion là một “vườn ươm sao” lớn, nơi mà các ngôi sao đang được hình thành. M42 chứa hàng trăm ngôi sao trẻ trong tổng cộng khoảng 700 ngôi sao trong các giai đoạn khác nhau. Trong đó có cụm sao Trapezium nằm ở chính giữa tinh vân Orion.

Trong khoảng 100.000 năm nữa, hầu hết tinh vân Orion sẽ không còn mà chỉ để lại một cụm sao sáng bên cạnh đám bui còn sót lại của tinh vân.

Tinh vân Orion còn là tinh vân đầu tiên được chụp ảnh. Nhà thiên văn học nghiệp dư người Mỹ Henry Draper là người đầu tiên chụp ảnh tinh vân này vào ngày 30 tháng 9 năm 1880.

Tinh vân De Mairan (M43, NGC 1982)

Tinh vân Đầu Ngựa (Horsehead Nebula)

Còn được biết với tên gọi khác là Barnard 33 là một tinh vân tối, tinh vân khuếch tán nằm ngay sát ngôi sao Alnitak. Tinh vân này nằm cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng và có bán kính 3,5 năm ánh sáng. Độ sáng biểu kiến của tinh vân Đầu Ngựa là khoảng +6.8, nó dễ dàng nhận ra bởi có đám mây bụi khí có giống hình đầu ngựa. Tên gọi của tinh vân này chính là được bắt nguồn từ đây.

Tinh vân Ngọn Lửa (Flame Nebula – NGC 2024)

Thuộc loại tinh vân phát xạ, nằm cách Trái Đất khoảng 900 – 1500 năm ánh sáng. Ngôi sao sáng Alnitak gần đó bức xạ tia cực tím làm cho các phân tử Hidro bị ion hóa, sự phát sáng của tinh vân phần lớn là do sự tái hợp giữa các hạt electron và phần tử Hidro đã bị ion hóa. Tại trung tâm của tinh vân Ngọn Lửa là một cụm sao trẻ mới được hình thành, các quan sát thiên văn cho biết cụm sao này có số lượng khoảng 800 ngôi sao.

M78 (NGC 2068)

M78 là tinh vân phản xạ sáng nhất trên bầu trời với độ sáng là +8.3 và nằm cách Trái Đất khoảng cách gần 1.600 năm ánh sáng.

Messier 78 là một tinh vân phản xạ, có nghĩa là nó chứa ít khí ion hoá và chỉ phản xạ lại ánh ánh sáng của các ngôi sao gần đó. Hai ngôi sao cường độ 10 loại B gần M78 là HD 38563A và HD 38563B, có vai trò chiếu sáng đám mây bụi của tinh vân.

Ngoài những thiên thể tiêu biểu phía trên, Orion còn chứa một số tinh vân khác như: Barnard’s Loop, NGC 1973, NGC 1975, NGC 1977, NGC 2174.

Các cụm sao mở: NGC 1662, NGC 2169, NGC 1981, NGC 2194.­­­­

Dùng chòm sao Orion làm “chìa khóa” của bầu trời

Chòm sao Thợ Săn Orion rất hữu ích trong việc  xác định các chòm sao, ngôi sao xung quanh. Nó được coi là “chìa khóa” của bầu trời mùa Đông với những người bắt đầu quan sát thiên văn.

Bằng cách kéo một đường thẳng tưởng tượng từ 3 ngôi sao thắt lưng về phía Đông Nam, đường thẳng này sẽ đi qua ngôi sao Sirius trong chòm Đại Khuyển.

Ngược lại, khi kéo một đường thẳng từ 3 ngôi sao về phía Tây Bắc, đường này gần như cắt qua cụm sao Pleiades (M45) trong chòm Kim Ngưu.

Một đường thẳng kéo về phía Đông qua hai ngôi sao Betelgeuse và Bellatrix (2 bên vai của Thợ Săn) cho biết hướng của ngôi sao Procyon trong chòm sao Tiểu Khuyển.

Một đường nối từ Rigel qua Betelgeuse sẽ chỉ ra hướng của 2 ngôi sao Castor và Pollux trong chòm sao Song Tử.

Tham khảo từ: chúng tôi chúng tôi chúng tôi chúng tôi freestarcharts.com

Với cá nhân mình chòm sao Orion có gì đó rất ấn tượng, rất đặc biệt. Nó là một trong những chòm sao đầu tiên mình xác định được trên bầu trời, là chòm sao đầu tiên mà mình chụp lại được chỉ bằng điện thoại. Nó gắn liền với những ngày đầu tiên mình bắt đầu quan sát thiên văn học, những đêm mùa đông gió rít, mình đứng ngoài trời thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời mùa đông. Những thứ đầu tiên như vậy thường gây ấn tượng khó phai, và quả thực nó là chòm sao yêu thích nhất của mình trong 88 chòm sao.