Phổ Biến 5/2024 # Tạo Cơ Hội Bình Đẳng Giới Thực Chất # Top 7 Yêu Thích

Bình đẳng giới được xem là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, nó vừa là mục tiêu của sự phát triển vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia. Quyền phụ nữ, quyền bình đẳng giới là một nội dung cơ bản của quyền con người, thể hiện giá trị nhân văn cao cả, đồng thời là những giá trị chính trị, pháp quyền đáng trân trọng. Từ Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946) đến các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, bình đẳng nam, nữ luôn là một nguyên tắc hiến định xuyên suốt trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của Việt Nam.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành chương II đề cập đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp; trong đó trực tiếp đề cập đến nguyên tắc bình đẳng của nam và nữ, trách nhiệm của Nhà nước, hành vi bị nghiêm cấm tại điều 27.

Điều 27 (sửa đổi, bố sung điều 63)

1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

So với Hiến pháp hiện hành, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thiết kế thành 3 khoản quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm, hành vi nghiêm cấm, bỏ các quy định cụ thể về tiền lương, chế độ thai sản, các chính sách đảm bảo giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy vai trò của mình trong xã hội (về y tế, giáo dục, an sinh xã hội…). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa công dân nam và công dân nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau trong mọi lĩnh vực cho nam và nữ; quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện để thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ; nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

Tuy nhiên, trong những quy định mang tính nguyên tắc đó, chúng tôi nghĩ rằng, để bình đẳng giới thực chất rất cần cơ hội để phụ nữ có thể tiếp cận và hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (Luật Bình đẳng giới, NXB Chính trị quốc gia – Hà Nội 2007, tr.9). Cơ hội chính là hòan cảnh thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Từ thực tiễn đổi mới, chúng ta đã nhận rõ thực chất sâu xa của công bằng xã hội. Khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền hiện nay càng đòi hỏi công bằng xã hội đúng nghĩa. Công bằng gắn với bình đẳng xã hội và xét về thực chất, công bằng không chỉ đòi hỏi phân phối lợi ích hợp lý mà còn đòi hỏi công bằng về cơ hội phát triển, bản đảm cho mọi thành viên trong cộng đồng đều có cơ hội như nhau để phát triển, đều được thụ hưởng lợi ích chính đáng, vai trò, vị trí của mình trong các môi quan hệ xã hội và từ những kết quả lao động, cống hiến của mình.

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới, đã thể chế hóa thành luật và các văn bản dưới luật về vấn đề này, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách chênh lệch giới; một bộ phận phụ nữ sống ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em gái… vẫn còn nhiều thiệt thòi do thiếu các điều kiện để tiếp cận các chính sách và thụ hưởng thành quả của sự phát triển xã hội mang lại, do tư tưởng định kiến giới vẫn còn tồn tại trong gia đình và xã hội. Việc tạo ra cơ hội cho phụ nữ cần được xem là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy didnhj như nhau giữa nam và nữ không làm giảm sự chênh lệch này. Do đó, thiết nghĩ, dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung cơ hội như một nguyên tắc thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, quan tâm tới nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, phụ nữ có thai, trẻ em gái… những nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ hội phát triển.